Phân cấp rượu vang Pháp


Rượu vang bàn (Vin de Table-VDT)

Chiếm khoảng 40% sản lượng rượu vang của toàn nước Pháp, thích hợp cho việc sử dụng hàng ngày. Rượu vang này được làm từ hỗn hợp các loại vang sản xuất tại Pháp (Vins de Table francais) hoặc tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu (CEE). Trong trường hợp này, chúng ta có thể thấy trên nhãn chai ghi dòng chữ “Mélange de vins de différents pays de l’Union Europeénne” và đặc biệt không ghi niên hiệu, vì nhà làm rượu có thể pha trộn trong 1 chai vang bàn nho từ nhiều niên hiệu khác nhau.

Nồng độ cồn tối thiểu trong 1 chai rượu vang bàn không được dưới 8,5% và tối đa không vượt quá 15%.

Rượu vang vùng (Vin de Pays-VDP)

Chiếm khoảng 15% sản lượng rượu vang của Pháp. Đây cũng là một loại rượu vang uống thông dụng, nhưng cao cấp hơn vang bàn vì nó phải đáp ứng tiêu chí là loại vang được thu hoạch từ một vùng sản xuất vang nhất định,ví dụ như Vin de pays d’Oc tới từ vùng Oc, Vin de pays du Var tới từ vùng Var, Vin de pays d’Aude tới từ vùng Aude…

Để được mang tên vang vùng, loại vang này phải đáp ứng được những chỉ tiêu về giống nho, phương thức canh tác, chất lượng nho, năng suất thu hoạch…

Nồng độ cồn tối thiểu trong 1 chai rượu vang vùng là 9-9,5%.

Vang có nguồn gốc xuất xứ được xác định (A.O.C)

Chiếm khoảng 35% sản lượng rượu vang Pháp. Đây là loại vang được kiểm nghiệm về nguồn gốc xuất xứ tên gọi.Quy trình sản xuất loại vang này phải tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng và tính xác thực của sản phẩm dựa trên xuất xứ của vùng sản xuất. Các nguyên tắc này bao gồm:

Hoạch định ranh giới vùng sản xuất, lựa chọn giống nho, tỷ lệ pha trộn giữa các giống nho, phương thức canh tác và chăm sóc cánh đồng nho, năng suất nho, nồng độ cồn tối thiểu (khoảng 10-11%), các quy trình sản xuất và bảo quản, thử nấm đánh giá chất lượng rượu vang để cấp chứng chỉ AOC.

Trong các loại vang AOC người ta lại phân biệt các loại vang có đẳng cấp cao, như ở vùng Bordeaux thì loại vang có đẳng cấp cao nhất là loại Crus Classés 1855 (trong 71 loại vang Bordeaux được xếp hạng theo bảng phân cấp 1855 thì chúng lại được phân cấp từ loại 1 tới loại 5). Sau đó là các loại Grand Cru và Premier Cru, Cru Bourgeois, Bordeaux Superieur và cuối cùng là Bordeaux thông dụng.

Nhiều nhà sản xuất khi xuất khẩu sang châu Á thường lợi dụng thành ngữ “Grand Vin de Bordeaux”. Trên thực tế, thành ngữ này có thể sử dụng cho loại Bordeaux rẻ tiền nhất cho tới loại cao cấp nhất.

Đối với vùng Bourgogne, sự phân cấp này đi từ loại Grand Cru cho tới Premier Cru và Bourgogne thông dụng. Thành ngữ Grand Cru và Premier Cru cũng được sử dụng cho vùng Champagne. Các vùng trồng nho, làm rượu khác của Pháp ít sử dụng thành ngữ này.